Đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã ảnh hưởng tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần của nhiều người trên thế giới. Vậy làm cách nào để dự phòng và vượt qua bệnh tật.
Trong một thông cáo của Liên Hợp Quốc gần đây cho biết, Bảo vệ sức khỏe thể chất là mối quan tâm chính trong thời gian khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, đại dịch đang gây áp lực tinh thần nghiêm trọng đối với nhiều nhóm dân cư trên thế giới.
Thực trạng sức khỏe tâm thần mùa dịch Covid – 19 trên thế giới
Theo Liên Hợp Quốc, ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, trạng thái đau buồn, lo lắng và trầm cảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các cá nhân và cộng đồng.
Tổng thư ký LHQ Guterres kêu gọi hành động khẩn cấp để đối phó nguy cơ xảy ra khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu vì Covid-19.
Liên Hợp Quốc cho biết các căng thẳng tinh thần trong đại dịch gồm nỗi sợ bản thân hoặc người thân bị nhiễm hay chết. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho biết những người có nguy cơ mất sinh kế, bị tách khỏi người thân hoặc phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm nghặt có thể chịu tác động tâm lý.
Trong khi đó, theo Devora Kestel, người đứng đầu bộ phận phụ trách sức khỏe tâm thần và sử dụng chất gây nghiện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tình hình hiện tại, nỗi sợ hãi và bất an cùng bất ổn kinh tế gây ra hoặc có thể gây ra trạng thái tâm lý đau khổ.
Các nhân viên y tế cùng nhân viên cấp cứu đang phải làm việc trong sự căng thẳng khủng khiếp và thuộc diện đặc biệt dễ tổn thương, số vụ nhân viên y tế tự tử trên thế giới đang tăng.
Nhiều nhóm khác đang phải đối mặt với thách thức tinh thần do Covid-19 gây ra. Trẻ em không được đến trường, cảm thấy lo lắng và không chắc chắn. Phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi cao hơn khi mọi người phải ở nhà trong thời gian dài.
Người cao tuổi và người có bệnh lý nền, thuộc nhóm dễ tổn thương trong đại dịch, phải đối mặt với căng thẳng trước nguy cơ nhiễm nCoV. Những người có vấn đề tâm lý có thể chuyển sang giai đoạn trầm trọng hơn khi điều trị thông thường và trị liệu trực tiếp bị gián đoạn.
4 rối loạn tâm thần thời Covid-19
Theo PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103) tựu chung có hai cách chính tác động tới sức khỏe tâm thần do đại dịch COVID-19, đó là tác động trực tiếp và tác động gián tiếp.
Ảnh hưởng trực tiếp
Dich COVID-19 tác động đến người ở vùng dịch, người bị cách ly và toàn xã hội theo các mức độ khác nhau, trên nguyên tắc ai càng “gần” virus hơn thì người đó càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tác động gián tiếp
Rối loạn tâm thần do COVID-19 rất đa dạng và phong phú, hay gặp nhất là trầm cảm và lo âu lan tỏa.
Các hậu quả do đại dịch gây ra như bị nghỉ việc, mất thu nhập, đóng cửa hàng, cấm đi lại, kinh tế suy thoái… dẫn đến các căng thẳng vượt quá mức chịu đựng của người bình thường.
Các ảnh hưởng dù là trực tiếp hay gián tiếp đều có thể mạnh mẽ, thậm chí dẫn đến các rối loạn tâm thần.
Sau đây là các rối loạn tâm thần hay gặp thời Covid-19 mà chúng tôi tìm hiểu được.
Bệnh Trầm cảm
Bệnh nhân trầm cảm mất hết các hứng thú và sở thích của mình, nét mặt luôn âu sầu hoặc cau có, luôn than phiền mệt mỏi, mất năng lượng.
Người trầm cảm ăn mất ngon, sút cân, ngủ rất ít, hay buồn vô cớ, chán nản, bi quan về đại dịch COVID-19 nói chung, về số phận của mình nói riêng.
Lo âu lan tỏa
Bệnh nhân lo lắng quá mức, không thể kiểm soát. Bệnh nhân lo lắng về bất cứ chủ đề gì như bao giờ đại dịch đi qua, bao nhiêu người đã lây nhiễm, số người chết… Bệnh nhân biết các lo lắng đó là vô lý và quá mức nhưng không sao kiểm soát được.
Bệnh nhân lo lắng suốt cả ngày, từ lúc thức dậy cho đến khi ngủ. Tình trạng lo lắng căng thẳng của bệnh nhân sẽ nhanh chóng phát triển tới tất cả các khía cạnh của cuộc sống.
Căng thẳng – stress
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều khó chịu, lo lắng cho con người – đó chính là stress.
Căng thẳng – Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.
Các rối loạn liên quan đến stress là kết hợp giữa stress và nhân cách của cá nhân như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… gây ra các hậu quả như vấn đề về trí nhớ, tim mạch, tiêu hóa, vận động…
Mất ngủ
Tháng 3/2020, sau 2 tháng giữ gìn cẩn thận, và không có ca bệnh Covid-19 mới, Hà Nội đã công bố ca dương tính đầu tiên với Covid-19 sau 02 tháng. Đêm đó, cả Hà Nội gần như không ngủ.
Nhiều người dân lo lắng, bồn chồn không biết dịch bệnh tiếp theo sẽ thế nào. Sau đó là biện pháp cách ly xã hội. Điều này ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, công ăn việc làm, thu nhập của người dân và việc học hành của học sinh và nhà trường.
Những thay đổi nhịp sống, sinh hoạt, công việc, thu nhập, lo lắng và sợ hãi đã ảnh hưởng đến giấc ngủ ngon của nhiều người.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 này, lượng người bệnh gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung và mất ngủ, rối loạn giấc ngủ nói riêng mà chúng tôi ghi nhận được tăng cao hơn mức bình thường.
Cách phòng tránh và điều trị các rối loạn tâm thần do Covid-19
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, để cải thiện sức khỏe tâm thần nói chung, cần duy trì và tăng cường các mối liên kết, kết nối xã hội; cần ngủ đủ giấc, đảm bảo dinh dưỡng và thường xuyên luyện tập.
Các trường hợp trầm cảm nặng, lo lắng, căng thẳng và mất ngủ quá mức thì người bệnh cần đến khám tại bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp tâm lý.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể chọn cách khám, tư vấn từ xa với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và phương án điều trị phù hợp để vượt qua các vấn đề sức khỏe tâm thần thời Covid-19 để sống vui, sống khỏe.